Có bao giờ bạn chọn "đi đường vòng"!?
Có nhiều bạn thay vì xuất phát ở điểm dễ dàng đã mạo hiểm đi một hướng khác theo ý mình và tin rằng với bản lĩnh cá nhân, họ sẽ thành công. Tuy vậy, rất nhiều bạn đã vấp phải những trở ngại vô cùng rắc rối…
Học theo cảm hứng
H.Q hiện đang học một khoa chất lượng tại trường ĐH Bách Khoa (sinh viên năm 2) bỗng muốn chuyển sang khoa có điểm chuẩn thấp hơn để học. “Mình cảm thấy thiếu động lực và buồn tẻ mỗi khi lên lớp. Mình muốn thay đổi môi trường để xem có thích nghi được hay không. Biết đâu nhờ vậy mà mình tốt hơn lên ấy chứ!” Thế là anh chàng xem như bỏ phí 2 năm đại học để quay về cột mốc ban đầu, trở thành sinh viên năm 1 của một ngành khác trong trường.
Chuẩn bị thực tập tại một trường cấp 2 thì N.T (sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh, ĐH Sài Gòn) bỗng cảm thấy áp lực và muốn dành thời gian để… nhìn lại chặng đường sinh viên đã qua của mình. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người thì N.T quyết định tạm bảo lưu thực tập để dành thời gian thi lại đại học. Nhiều người trách rằng: “Đã học được 4 năm còn không gắng luôn vài tháng để kiếm cái bằng, tại sao lại bỏ dở quá uổng phí như vậy”, nhưng không ai lay chuyển được quyết định của T.
Bỏ học để “mở lối đi riêng”
Học năm 2 tại ĐH Kinh Tế, cứ tưởng rằng B.D (20 tuổi) sẽ tiếp tục học thêm nữa để có tương lai ổn định. Thế nhưng D đã bỏ học giữa chừng để cùng chị kinh doanh shop quà lưu niệm. B.D chia sẻ quan điểm:“Với mình, đi học 4 năm rồi cũng chỉ để có được cuộc sống ổn định, mức lương cao. Mình cảm thấy thích đi làm hơn. Dẫu sao mình học cũng chỉ để kinh doanh, nên mình muốn thực hiện mục tiêu ngay bây giờ. Mình tin rằng mình sẽ làm được mà không cần bằng cấp gì cả”. Kế hoạch trong tương lai gần của D là mở thêm một quán ăn cho teen, sau khi đã có một ít vốn từ việc kinh doanh shop quà lưu niệm.
Cũng giống như D, T.Q (sinh viên năm 1 ĐH Hùng Vương) sau một thời gian chán nản cùng cực trong cuộc sống thì nhận ra rằng: “Đại học không phải là con đường duy nhất, đa phần những người thành công đều đã… bỏ học giữa chừng đấy thôi!”. Mang tư tưởng ấy nên T.Q tự cho mình nghỉ học trong khi gia đình không hề hay biết và thay vì dùng tiền gia đình gửi lên để đóng học phí, thì Q dùng để mua sắm, du lịch, ăn uống với bạn bè. “Biết đâu nhờ vậy mà cơ hội đến với mình tình cờ thì sao? Hiện tại mình vẫn đi làm part-time thôi, đợi từ từ suy nghĩ rồi chọn ngành khác, thi lại đại học” - T.Q thản nhiên trả lời khi được chúng tớ hỏi.
Tương tự thế, M.A (sinh viên năm 2 ĐH Công Nghiệp) luôn mong muốn được đi du học nhờ nguồn học bổng nào đó. Bảo lưu kết quả ở đại học, M.A dồn sức học Anh văn và hỏi bạn bè, đồng thời tích cực tìm trên mạng, mong rằng ước mơ sẽ sớm thành hiện thực.
Thiếu thực tế
Học ở ngành khác được một thời gian thì H.Q “hết hứng”, nhưng lúc này không thể thay đổi được nữa, anh chàng cảm thấy hối hận vì quyết định nhất thời của mình: “Cứ ngỡ là môi trường mới sẽ khiến mình tiến bộ, ai dè ngược lại, thậm chí còn tệ hơn lúc đầu. Nhưng đã quá muộn để lựa chọn lại. Bây giờ chẳng lẽ mình phải thi lại đại học vào ngành cũ?”.
Mang tư tưởng: “Khác biệt và dám chấp nhận mạo hiểm thì sẽ thành công”, nhiều sinh viên muốn liều lĩnh bằng việc phá cách để trải nghiệm, mà không biết rằng, nếu chưa đủ đam mê và không dám đối mặt với thử thách thì rất dễ chùn bước. Và khi đã chùn bước rồi thì thành công sẽ xa tầm tay.
"Đi làm rồi thì tiếc, muốn đi học trở lại. Vì nếu có bằng đại học trong tay thì mình sẽ kinh doanh thuận lợi hơn, cơ hội đến dễ dàng hơn. Chính vì lý tưởng hóa cuộc sống và hơi mơ mộng hoang đường nên sau một thời gian đi làm, mình hụt hẫng và áp lực rất nhiều: buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ, chủ cho thuê mặt bằng hét giá, rồi hàng mới bị chèn ép nên phải tăng giá bán, khách hàng cũng đến ít dần… Doanh thu giảm thì mình bắt đầu lo, cố nghĩ ra chiến thuật nhưng khó quá. Chợt nhớ lớp học năm nào. Có lẽ mình sẽ phải đi học lại thôi" - B.D chia sẻ.
o0o
Đôi khi vì hoàn cảnh, nhiều bạn phải đi đường vòng mới đến được cái đích mà họ đặt ra. Nhưng nếu bạn đang đi đường thẳng thì việc gì phải quay lưng lại để tìm hướng đi khác? Con đường ấy bằng phẳng và cũng lắm thử thách chông gai, nhưng hãy cứ đối diện, từ từ bạn sẽ thành công. Bạn nghĩ đi đường vòng sẽ nhanh hơn vì ít chướng ngại hơn? Chưa chắc. Có thể bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối vì đã quyết định sai lầm nhưng không thể quay về sự lựa chọn cũ. Bạn có quyền định đoạt tương lai của bản thân, nhưng hãy suy nghĩ thật kĩ nhé!
(Nguồn : kenh14)
Cám ơn Rồng con! Bài đăng của bạn có tính giáo dục lắm!
Trả lờiXóaMặc dù có người thành công rực rỡ khi chọn đường vòng (Bill Gate, Mark Zuckerberg chẳng hạn) nhưng rất hiếm.
Hi vọng các teen 11A2 suy nghĩ thật kỹ khi đứng trước ngã rẽ
Thanks cô!
Trả lờiXóaMấy người này có thể bị bệnh đó, bệnh di truyền do gen, chính xác là Hội chứng thiên tài (Bill Clinton, Anh Xtanh, Bill Gates....) nhưng tỉ lệ này vô cùng thấp, đừng tự cho rằng mình như thế mà mạo hiểm quá mức nhé các teen !