21/10/11

Hoang Mang "Đạo Chích" Lớp Học



Thời gian gần đây, nạn mất cắp xảy ra trong lớp học mỗi lúc một nhiều hơn.

Nạn nhân thì khóc ấm ức, các bạn còn lại trong lớp sinh nghi lẫn nhau, lo lắng không biết mình có trở thành nạn nhân không, khó chịu khi bạn bè nghi ngờ mình… Từ những nỗi hoang mang đó mà sự đoàn kết trong lớp ngày càng mong manh.
Sơ hở là… mất!
Ngày 29/8 vừa qua, cả lớp 12A2 trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình kéo xuống sân chụp hình lưu niệm đầu năm. Khi trở lên lớp thì bạn H.Nga phát hiện chiếc iPhone 3G mình để trong cặp đã không cánh mà bay. Mới đây, chiếc cặp của Y.L (lớp 11 THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6) vào một ngày đẹp trời cũng biến đi đâu mất. L. nhờ bạn bè tìm kiếm giúp thì phát hiện cặp của mình bị quăng một góc trong phòng… vệ sinh nam. Tất cả tiền bạc và điện thoại đều bị lấy đi mất.
Giờ chuyển tiết, thủ quỹ của lớp 11A1 trường THPT Vĩnh Cửu, Đồng Nai trích một số tiền nhỏ để đi photo giấy kiểm tra cho lớp. Khi trở về chỗ ngồi, bạn hốt hoảng khi phát hiện hơn 500 ngàn đồng tiền quỹ lớp để trên bàn đã biến mất. “Cô chủ nhiệm tổ chức lục soát cặp tất cả các thành viên trong lớp, cô cũng nói các bạn nên trả lại vì đó là tiền của chung. Nhưng cuối cùng, ai cũng im lặng…” — Lan Chi, một thành viên trong lớp 11A1kể lại.
Một mất, mười ngờ
Cách đây vài năm, các bạn lớp 9A10 trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh vẫn không thể quên sự kiện của bạn Anh Sơn. Sơn bị nhân viên bảo vệ phát hiện và báo về nhà trường vì tội ăn cắp bộ compa trong nhà sách. Sơn bị đem ra kiểm điểm trước toàn trường. Từ đó bạn bè mặc định biệt danh cho anh chàng là “thằng ăn cắp”. Cuối năm, một bạn nữ trong lớp phát hiện mình bị mất tiền. Ngay lập tức cả lớp đổ hết đồ dùng trong cặp của Sơn, thậm chí lục hết túi áo, túi quần của bạn ấy để tìm số tiền bị mất, mặc cho Sơn giải thích hết lời rằng cậu không hề lấy cắp của ai thứ gì cả. Ngày hôm sau, bạn nữ kia đã xin lỗi với cả lớp vì mình… nhầm lẫn, để tiền ở nhà mà cứ tưởng đem theo. Lúc đó, cả lớp đều rất áy náy nhưng không ai xin lỗi Sơn vì nghĩ rằng: “Lần này không phải nó nhưng ai biết được lần sau nó là thủ phạm, ăn cắp quen tay mà!”
Đôi khi món đồ bị mất không đáng giá bao nhiêu nhưng nó có thể làm cả tập thể hoang mang, thậm chí có bạn phải chịu sự tẩy chay dù không phải lỗi của mình. “Mình nghĩ cách ứng xử trong những trường hợp đó rất quan trọng, kể cả khi bạn là người nghi ngờ hoặc bị nghi ngờ” — Kim Hiếu (lớp 12A24 THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6) nói.
Thầy cô cũng vào cuộc
“Qua nhiều lần giải quyết những vụ nghi kị, mất cắp trong lớp, tôi nhận thấy một điểm chung là tài sản mất ít, tình cảm mất nhiều. Thầy cô giải quyết thế nào để không mất tình cảm mới là thành công”. — cô Hải Vân, giáo viên môn Văn, trường THPT Nguyễn Trường Tộ,TP.Vinh nói. Cô Vân từng có kinh nghiệm xử lí một vụ mất cắp tưởng rất khó khăn. Lần đó, ở một lớp 10 vừa mới nhập học có một bạn mất máy nghe nhạc MP4. Cô yêu cầu tất cả ra ngoài, một mình xét hơn 50 chiếc cặp, hộc bàn của cả lớp. Cuối cùng cô tuyên bố không tìm thấy nhưng thật chất cô đã tìm được chiếc máy MP4 đó trong cặp một bạn học sinh. “Khi thấy chiếc MP4 trong cặp bạn ấy, cô rất buồn nhưng không muốn làm lớn chuyện nên chỉ âm thầm giải quyết vụ việc này một cách êm đẹp, để cả lớp không có thành kiến với người bạn mới này”. — Cô Vân chia sẻ.
Gieo thói quen gặt tính cách
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản thì người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Luật sư Nguyễn Văn Nhanh (đoàn luật sư TP.HCM) còn cho biết: “Hành động ăn cắp có thể quen tay, tạo nên tính cách từ ăn cắp vặt đến những món đồ có giá trị lớn. Đa phần thủ phạm phải đứng trước vành móng ngựa trong những vụ mất cắp tài sản nghiêm trọng đều là người có thói quen ăn cắp vặt từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Tuy nhiên không phải lúc nào các thủ phạm cũng được châm chước như trường hợp trên. Bạn Minh Anh (lớp 11C THPT N., Đồng Nai) vừa bị mất một chiếc điện thoại di động, bạn trình sự việc lên thầy chủ nhiệm. Các thầy cô lập tức phối hợp tìm thủ phạm bằng cách hỏi từng bạn trong lớp, xem có học sinh lớp khác thường xuyên ra vào khu vực lớp mình không để khoanh vùng những “đối tượng” khả nghi nhất. Nhưng khi hỏi thì ai cũng chối, các thầy cô quyết không bỏ qua mọi chuyện và tuyên bố: “Không em nào nhận tội thì Ban Giám hiệu sẽ mời Công an Huyện đến đây giải quyết”. Lúc đó, M. — thủ phạm mới sợ hãi thú nhận mình đã lấy vì đang thiếu tiền tiêu xài. Dù mới vi phạm lần đầu nhưng nhà trường vẫn quyết định kiểm điểm M. trước toàn trường, buộc thôi học một tuần để làm gương cho các bạn khác.
QUỲNH TRÂN — THU HƯƠNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét