Tự cho rằng mình học không bằng ai
Hoàng Dung (lớp 10 trường THPT Phú Nhuận) bày tỏ: “Mình được vào lớp chọn của trường với số điểm 40, trong khi mặt bằng chung trong lớp, ai cũng trên 40 cả. Vì mang mặc cảm “điểm đầu vào thấp gần bét lớp” nên mình luôn cảm thấy thua kém mọi người. Trong lớp, thấy bạn bè hăng hái phát biểu, mình biết nhưng cũng im lặng vì sợ nói sai. Thầy cho xung phong làm bài tập nộp lấy điểm, mọi người tích cực xung phong, mình làm nhanh hơn nhưng cũng chẳng dám nộp. Khi giáo viên hỏi “các em còn thắc mắc gì không?”, mình cũng muốn hỏi thêm để nâng cao kiến thức lắm, nhưng lại sợ bị chú ý, với lại, điểm mình có cao đâu mà!”
Mang tư tưởng đó, nên Dung thật sự mờ nhạt trong lớp, dù hồi cấp 2, Dung có thành tích học tập cực ổn và làm lớp trưởng suốt 9 năm liền. Từ một cô bạn năng động, tích cực, Dung trở nên thụ động, ù lì và an phận từ lúc nào không hay.
Không chịu cố gắng, dễ lười, dễ nản
“Trên lớp, mình ngồi yên nghe giảng, về nhà làm bài tập theo những gì thầy cô dặn dò, rồi đi học thêm… Bấy nhiêu đó thôi cũng khiến mình bận túi bụi và không có thời gian dành cho việc vui chơi giải trí, nói gì đến việc chủ động và tích cực. Cách học ở lớp 10 cũng rất mới khiến mình chưa thích nghi được nên lâu lâu cũng lười, cũng bỏ làm bài tập hay không học bài ở các môn phụ. Mình chỉ tập trung cho những môn chính. Mình đang rất buồn khi vừa bị điểm 4 môn Văn, trong khi lớp 9 mình từng đạt học sinh giỏi cấp thành phố môn này. Có vẻ như mình hạng thứ hai mươi mấy trong lớp. Nhiều bạn giỏi hơn mình quá, biết sao được” - đó là lời tâm sự của bạn Ngọc Nga (lớp 10 trường THPT VTT).
Áp lực khiến bạn không thoải mái
Tuấn Anh (lớp 10 trường THPT NCT, GV) may mắn được vào lớp tuyển của ban Tự nhiên với số điểm 44. Nhưng chỉ sau một tháng học, Tuấn Anh cảm thấy mình không theo kịp mọi người, chán nản trong việc học và quá tải vì bài vở. Cậu kể: “Mới đầu năm mà mình đã có 2 con điểm dưới trung bình do bị gọi lên khảo bài. Mình đã nắm vững kiến thức nhưng vì mang tư tưởng “phen này chết chắc” nên rồi mình tiêu thật! Cô cho một bài tập rất đơn giản nhưng giải mãi không ra, trong khi kiến thức nâng cao thì mình nắm chắc cực kì!”
Đây chính là nguyên do trọng yếu làm cho đa số các bạn giỏi không phát huy được khả năng của mình. Học trong một lớp với toàn những người có trình độ ngang ngửa mình, họ cảm thấy mệt mỏi, ban đầu còn muốn “bứt phá” để mong đạt thành tích cao, nhưng một số người đã “bỏ cuộc” giữa chừng do không chịu nổi áp lực, nên họ “phó mặc cho số phận”, bị điểm thấp thì đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Ngọc Ánh (lớp 10 trường THPT NTT, GV) chia sẻ: “Thầy cô luôn bảo rằng sẽ có những câu khó trong bài kiểm tra cho lớp tuyển. Mình luôn rất áp lực, tim đập mạnh, mồ hôi ướt đẫm mỗi khi giáo viên bắt lấy giấy ra làm kiểm tra bấy ngờ. Lúc đó mọi kiến thức trong đầu bay đâu mất”
Còn ảo tưởng về danh hiệu
Nhiều bạn thấy mình được vào lớp chọn thì tỏ ra tự hào, kiêu hãnh. Họ cho rằng: “Được vào lớp tuyển đã là một điều đáng tự hào, cần gì phải học thêm chi cho mệt! Hạng bét ở lớp tuyển có khi là hạng nhất ở lớp thường ấy chứ!”
Họ đã lầm. Thực tế, những bạn nằm trong “top từ dưới đếm lên” trong lớp tuyển, là những bạn mất căn bản trầm trọng và không theo kịp với nhịp học của những bạn “có điểm đầu vào bằng mình”. Để rồi muốn “làm lại từ đầu” thì đã quá muộn. Bạn nên nhớ, “danh hiệu” của bạn được bảo toàn chỉ khi nào bạn nỗ lực để giữ vững nó. Còn luôn hài lòng với nó, thì bạn sẽ bị bỏ lại một quãng rất xa.
Lời chia sẻ
* Tâm lý đóng vai trò quan trọng. Đừng quá áp lực. Không được nản khi điểm thấp. Biết cân bằng thời gian và chú trọng những môn nâng cao. Hãy nhớ rằng bạn học để kiến thức bạn được cải thiện chứ không phải học để “ganh đua” điểm số. Nếu mang tâm lý cạnh tranh, bạn cũng sẽ rất dễ bị mờ nhạt. Hãy học theo cách của mình, đừng quan tâm điểm số của ai, đừng quan tâm thành tích của ai cả.
* Hãy xem “lớp tuyển” như những lớp bình thường. Hãy coi những người bạn trong lớp có thành tích bình thường. Nếu bạn siêng gấp đôi họ, có thể bạn học giỏi hơn họ nhiều. Hoặc sự thông minh của bạn cao gấp nhiều lần so với họ. Đừng quan trọng hóa vấn đề, và tích cực làm mới mình, tạo một vị thế quan trọng trong lớp (ví dụ như có năng khiếu hát, vẽ, làm thơ, viết văn, năng động, hay phát biểu…), bạn sẽ tự tin lên hẳn và từ đó kéo theo thành tích học tập tăng lên.
* Ngoài ra, nên tham gia các hoạt động phong trào và hòa đồng với bạn bè trong lớp. Tích cực tham gia các buổi vui chơi, bạn sẽ thân hơn với mọi người, rồi biết thêm kinh nghiệm học tập của họ, thành tích của bạn sẽ tốt nếu bạn chơi cùng với một nhóm bạn học giỏi.
Chúc bạn thành công.
Tác giả: Demi Twinkle ®
Nguồn: Báo Mực Tím online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét